Đây là đề xuất của Nga để phát triển một cơ chế thanh toán chung của Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) dựa trên đồng nội tệ của các quốc gia thành viên.
Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin ngày 24/8 (giờ địa phương) cho biết nước này đã đề xuất phát triển một cơ chế thanh toán chung cho EAEU.
“Hiện phần lớn các giao dịch thanh toán chung đều diễn ra bằng đồng tiền quốc gia. Tổng cộng 80% ngân hàng của 5 quốc gia được kết nối với hệ thống nhắn tin tài chính. Chúng tôi đề xuất phát triển một cơ chế thanh toán chung dựa trên đồng tiền quốc gia. Bằng cách này, chúng ta sẽ cải thiện môi trường đầu tư. An ninh của việc thanh toán và sự ổn định của nền kinh tế chúng ta sẽ tăng lên”, ông Mishustin bày tỏ.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Mikhail Mishustin cũng khẳng định rằng Liên minh Kinh tế Á-Âu vẫn là nhà cung cấp thực phẩm hàng đầu cho thị trường trong và ngoài liên minh. Điều này càng cần phải tạo nên một không gian thống nhất để cung cấp hàng hóa và tài nguyên thuận lợi hơn, nhất là trong bối cảnh thị trường toàn cầu đang gặp những vấn đề khó khăn.
Cụ thể, theo Ủy ban Kinh tế Á-Âu, trong năm 2021, thống kê cho thấy có 71,5% lượng giao dịch được thực hiện bằng tiền ruble, 26,2% bằng USD và euro. Trong khi đó, chỉ 1,4% các giao dịch bằng đồng tenge của Kazakhstan và 0,2% bằng đồng tiền quốc gia Belarus.
EAEU hiện có 5 thành viên chính thức là Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrzyzstan và Nga, cùng 3 nước quan sát viên là Cuba, Moldova và Uzbekistan.
Trước đó, để phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán độc lập trong EAEU, Nga đề xuất các biện pháp gồm bảo đảm tương tác giữa các hệ thống thẻ thanh toán của các quốc gia thành viên EAEU; vận hành mạng lưới ngân hàng của các nước EAEU bảo đảm giao dịch, cũng như bảo đảm khả năng trao đổi thông tin tài chính mà không cần sử dụng hệ thống SWIFT trong thanh toán qua lại.